Nhiều người Việt Nam thường gọi một cách nhầm lẫn bò Nhật là bò Kobe. Đối với đa số người tiêu dùng, bò Nhật gợi lên hình ảnh miếng bò mềm, béo ngậy và đặc biệt thơm ngon, trong khi với một số người khác, họ sẽ hình dung về những con bò sạch sẽ được mát xa, uống bia trực tiếp từ chai và thư giãn nghe nhạc trên cánh đồng cỏ xanh mướt.
Có rất nhiều thông tin mang tính thêu dệt hoặc phóng đại, những thông tin dưới đây sẽ góp phần làm sáng tỏ về nền công nghiệp chăn nuôi bò Nhật giàu tính truyền thống và kỷ luật.
Bò Nhật wagyu là gì?
Trong tiếng Nhật, "Wa" có nghĩa là Nhật và "gyu" có nghĩa là gia súc. wagyu có nghĩa là Bò Nhật, dùng để chỉ các giống bò bản địa Nhật Bản.
Nhật Bản cũng nuôi các giống bò khác, như bò Holstein, nhưng chỉ có một số giống bò bản địa được chính thức xem là wagyu, gồm có Bò Đen (Black Japanese Cow), Bò Nâu (Brown), Bò Sừng ngắn (Shorthorn) và Bò Polled. Trong bốn giống bò này, bò đen chiếm đến 95% số wagyu được nuôi ở Nhật Bản, được biết đến với màu vân mỡ siêu hạng, các dải hoặc đốm mỡ mỏng mang lại trải nghiệm tan chảy trong miệng.
Nguồn gốc di truyền của nó có thể được bắt nguồn từ 35.000 năm trước. Ban đầu, bò được sử dụng như vật nuôi lấy sức kéo trong nông nghiệp và được lai tạo để có sức chịu kéo dẻo dai. Cho đến thời Minh Trị Duy tân năm 1868, bò chưa được nuôi lấy thịt vì việc tiêu thụ thịt bò bị cấm do tín ngưỡng Phật giáo.
Bò wagyu hiện đại là sản phẩm lai giữa giống bò bản địa Nhật Bản với phần lớn các giống bò đen nhập khẩu từ Anh, Hàn Quốc và Châu Âu. Việc lai tạo này được cho là đã diễn ra cách đây hàng trăm năm. Từ năm 1635 đến 1868, đàn bò ở Nhật Bản chính thức bị đóng cửa theo lệnh của Shogun. Và ngoại trừ một thời gian ngắn trong thời Minh Trị Duy tân vào cuối những năm 1800, từ năm 1900 đến nay, giống bò Nhật về cơ bản bị đóng cửa, không lai tạo với các giống bò bên ngoài.
Đặc trưng bò wagyu có màu lông đen hoặc đỏ, sừng của chúng thẳng đến hơi cong về phía trước và bắt đầu có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu đen ở cuối. Chúng được biết đến với tính khí ôn hòa, được cho là do lịch sử với cách trưởng thành đặc biệt của chúng.
Chất lượng thịt nổi tiếng thế giới của wagyu không phải đến từ quy trình chăm sóc và cho ăn đặc biệt, mà là do nguồn gen quý của giống bò này.
Bên ngoài nước Nhật cũng có các giống bò wagyu (được xem) là thuần chủng, hoặc wagyu lai tạo với các giống bò bản địa như wagyu Mỹ, wagyu Úc. Khi lai với các giống bò khác, bò wagyu làm tăng lượng vân mỡ trong thịt, cải thiện chất lượng và cả năng suất thịt tăng lên đáng kể.
Chính phủ Nhật đã tuyên bố nguồn gen bò wagyu là tài sản quốc gia và phải được bảo vệ.
Ngành sản xuất bò wagyu ở Nhật
Có nhiều huyền thoại xung quanh bò Nhật hay bò Kobe, chẳng hạn như chúng được mát-xa hàng ngày và được cho uống bia để kích thích sự thèm ăn.
Những điều này không phải là phổ biến. Nhưng sự thật là những con bò được cho ăn theo chế độ cẩn thận và có chủ ý, nhắm đến việc cho ra sản phẩm là những miếng thịt bò săn chắc, vân mỡ (marble) suất sắc nổi tiếng thế giới.
Theo quy định, hormone không bao giờ được sử dụng. Ngoài ra còn có mức độ giám sát cao: tất cả wagyu đều được chứng nhận và có thể truy xuất nguồn gốc. Ở Nhật, bò wagyu không được đánh số, mà được gọi theo tên riêng của từng con một.
Một mốc quan trọng là Vòng đàm phán Uruguay năm 1991, sau thời điểm này nhập khẩu thực phẩm như gạo, thịt bò và trái cây tăng mạnh, tác động lớn đến lợi nhuận của người chăn nuôi bò Nhật Bản. Trước thời điểm này, bò wagyu chưa có chất lượng nổi trội như bây giờ.
Nhằm đối phó với mối đe dọa nghiêm trọng từ thịt bò nhập khẩu giá rẻ, chính phủ Nhật Bản bắt đầu tăng cường phát triển phân khúc thịt bò cao cấp với vân mỡ nổi trội.
Vào năm 2018, mức độ vân mỡ trong thịt bò wagyu Nhật Bản (đặc biệt là phần thăn trên) đã tăng lên, với mức độ mỡ trong cơ lên đến 60%.
Tại Nhật Bản, theo số liệu năm 2013, có tổng số 2,64 triệu con gia súc nuôi lấy thịt, trong đó khoảng 1,77 triệu con bò đen wagyu, và khoảng 870.000 con là bò Holstein.
Bò wagyu được thụ tinh nhân tạo và lai tạo giống bởi các nhà lai tạo chuyên nghiệp, theo một quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng giống. Khi bò đến 10 tháng tuổi sẽ được bán đấu giá cho người nông dân bắt đầu giai đoạn vỗ béo cho đến 30 tháng tuổi.
Bò wagyu thường được cho ăn chế độ ăn đậm đặc từ 11 đến 30 tháng tuổi để tạo ra sự tích tụ mỡ trong cơ, đây là mục tiêu quan trọng nhất đối với những người chăn nuôi bò ở Nhật Bản. Chúng thường được cho ăn ba lần một ngày trong gần hai năm, cho đến khi tăng trọng khoảng 50%.
Ở Nhật Bản, món ăn truyền thống chính là cơm, với thịt bò được phục vụ như một món ăn phụ. Do đó, Nhật Bản đã tập trung vào việc cải thiện chất lượng hơn là số lượng thịt bò, không giống như nhiều quốc gia nước ngoài coi thịt là thực phẩm chính.
Đặc biệt trong quá trình vỗ béo, phương pháp vỗ béo phổ biến nhất là cung cấp càng nhiều ngũ cốc (tinh bột) và rơm (chất xơ) tùy ý càng tốt. Nhìn chung, bò được ăn thức ăn giàu năng lượng từ 2 đến 3 lần một ngày từ 11 tháng tuổi cho đến khi xuất chuồng lúc 28 đến 30 tháng tuổi.
Bia và bã bia được cho bò ăn trong những tháng mùa hè do trời nóng và lớp mỡ dầy làm cho bò ăn kém. Bia được cho là kích thích thèm ăn. Ngoài ra, việc xoa bóp có thể được thực hiện để giảm căng thẳng, và cũng để tăng độ mềm và săn chắc của cơ thịt.
Một cách chăm sóc đặc biệt khác nữa của nông dân Nhật Bản là chải lông bò bằng rượu Sake. Người nông dân Nhật Bản tin rằng lớp lông và độ mềm của da có liên quan đến chất lượng thịt. Người ta tin rằng chải lông bằng rượu sake giúp cải thiện vẻ ngoài và sự mềm mại của con vật và do đó tăng tính sang trọng của sản phẩm thịt.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với chăn nuôi bò wagyu của Nhật bao gồm chi phí sản xuất quá cao, xử lý chất thải ra môi trường theo hướng bền vững và vấn đề lây nhiễm dịch bệnh qua thức ăn nhập khẩu thay vì sử dụng nguyên liệu tại chỗ.
Nhật Bản đang phát triển một hệ thống tương lai về trao đổi chất và quản lý công nghệ thông tin và truyền thông (ICT, hoặc Interne of Things) ứng dụng trong sản xuất thịt bò wagyu. Hệ thống này được kỳ vọng thúc đẩy sản xuất thịt bò wagyu chất lượng cao, an toàn bằng cách sử dụng nguồn đồng cỏ trong nước, tăng cường sử dụng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang và tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi từ thực vật tại chỗ ở các vùng núi cao của Nhật Bản.
Ngày nay, chưa đến 10% số thịt bò wagyu được xuất khẩu ra ngoài Nhật Bản.
Các dòng (lines) bò wagyu chính
Ba dòng wagyu nổi tiếng nhất - Tajima từ tỉnh Hyogo, Itozakura từ tỉnh Shimane và Kedaka từ tỉnh Tottori.
Tajima
Tajima – có nguồn gốc từ quận Hyogo. Đây là một trong những giống bò đen Nhật, lúc đầu được sử dụng để lấy sức kéo, nên chúng phát triển phần thân trước lớn hơn và phần thân sau nhẹ hơn. Chúng thường có khung nhỏ hơn với tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhưng tạo ra chất lượng thịt tuyệt vời với lõi cơ (eye) lớn và vân mỡ vượt trội
Chúng được cho là lý tưởng để cung cấp gia súc F1 cho giết mổ. Dòng Tajima thường được coi là sản xuất thịt chất lượng tốt nhất trên toàn Nhật Bản. Bò Kobe thuộc dòng này.
Kedaka (hoặc Tottori)
Kedaka hoặc Tottori dòng bò wagyu nuôi chính bằng ngũ cốc, chúng thường có kích thước lớn, lưng thẳng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng thịt không nhất quán.
Fujiyoshi (hoặc Shimane)
Fujiyoshi hoặc Shimane là dòng wagyu có khung xương trung bình với tốc độ tăng trưởng trung bình, chất lượng thịt tốt và rất thích hợp để lai với Angus.
Các thương hiệu bò wagyu nổi tiếng
Địa hình Nhật Bản tương đối hiểm trở, tạo ra sự biệt lập về tập quán canh tác và kỹ thuật chăn nuôi giữa các vùng, miền. Điều này dẫn đến những đặc điểm khác biệt rõ rệt về chất lượng thịt của từng loại thương hiệu wagyu riêng của các vùng. Trong đó nổi tiếng nhất là bò Kobe. Cựu tổng thống Mỹ, B.Obama khi đến thăm Nhật Bản đã yêu cầu được thử đích danh món bò Kobe. Tuy nhiên, bò wagyu Nhật còn có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng khác có chất lượng và đẳng cấp không thua kém bò Kobe, với giá cả hết sức cạnh tranh.
Vùng Kansai của Nhật Bản là nơi cung cấp giống bò Tajima, dòng bò wagyu chính của "tốp ba" thương hiệu thịt bò wagyu ngon nhất Nhật Bản - là Thịt bò Matsusaka Ushi, Thịt bò Kobe và Thịt bò Ohmi.
Mặc dù các thương hiệu bò này đều có nguồn gốc từ bò Tajima, nhưng mỗi thương hiệu đều tự hào với hương vị và chất lượng độc đáo rất riêng của mình.
Thịt bò Kobe
Thịt bò Kobe Được xem là thương hiệu thịt bò wagyu nổi tiếng nhất ở bên ngoài Nhật Bản.
Được chăn nuôi trong điều kiện vô cùng nghiêm ngặt tại các trang trại chăn nuôi chuyên biệt ở tỉnh Hyogo, bò Kobe được cho ăn gạo và ngô đã qua sàng lọc đặc biệt. Thịt bò có vân mỡ cẩm thạch (marble), ổi tiếng bởi hương vị tinh tế, vị ngọt đậm đà và mùi thơm độc nhất vô nhị khi chế biến.
Chỉ loại bò wagyu (độc quyền Tajima) chất lượng cao nhất được sản xuất tại khu vực tỉnh Hyogo mới có đặc quyền được bán dưới tên thương hiệu Bò Kobe.
Hơn nữa, để đủ tiêu chuẩn là thịt bò Kobe chính thức, bò wagyu phải được sinh ra, chăn nuôi và giết mổ tại quận Hyogo (nơi có thành phố Kobe) và xếp hạng ít nhất là A4 trên thang phân loại thịt nghiêm ngặt của Nhật Bản. Chỉ có khoảng 3.000 con bò Kobe mỗi năm được xuất ra thịt trường.
Mặc dù thịt bò Kobe nổi tiếng nhất bên ngoài Nhật Bản, thật không may, giống như Brie, Camembert và Cheddar trong thế giới phô mai, cái tên Kobe hiện không được bảo vệ, và thường xuyên được sử dụng nhầm lẫn với các sản phẩm thịt bò wagyu khác.
Thịt bò Matsusaka
Cùng là dòng Tajima từ tỉnh Hyogo, thịt bò Matsusaka là thương hiệu bò wagyu cao cấp, chỉ được lấy từ những con bò tơ được nuôi trong điều kiện nghiêm ngặt ở trong và xung quanh Thành phố Matsusaka thuộc tỉnh Mie, thường bị giết thịt lúc ba tuổi.
Loại bò này được theo dõi từ khi sinh ra cho đến khi lấy thịt để đảm bảo chất lượng thịt hoàn hảo. Loại thịt bò vân mỡ cẩm thạch xuất sắc này có tỷ lệ giữa mỡ và thịt đồng đều, khi ăn sẽ có hương thơm béo ngậy.
Thịt bò Omi
Không thua kém các thương hiệu bò wagyu khác, thịt bò Omi được sản xuất tại tỉnh Shiga, trong môi trường tự nhiên bao quanh Hồ Biwa, hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản và là một địa danh văn hóa và lịch sử quan trọng.
Bò Omi được nuôi dưỡng hết sức cẩn thận, có lớp thịt cực kỳ mịn màng, đặc trưng khác với các thương hiệu wagyu khác nhờ độ dẻo của mỡ trong thịt.
Bò sừng Iwate
Hầu hết bò wagyu đều thuộc lớp Bò đen Nhật Bản nhưng bò sừng ngắn Nhật Bản ở Iwate là một ngoại lệ hiếm hoi vì giống bò này chưa chiếm một phần trăm trên tổng số gia súc được xếp hạng là wagyu.
Giống bò này cho thịt tương đối nhiều hơn , tỷ lệ thịt đỏ cao hơn và ít vân mỡ hơn các thương hiệu thịt bò wagyu khác, nhưng nhờ có các axit amin mang đến vị ngọt thịt đậm đà mà thịt vẫn cực kỳ mềm và có hương vị thơm ngon
Yonezawagyu
Yonezawagyu là giống bò đen wagyu, thương hiệu được ra đời và phát triển ở tỉnh Yamagata. Khí hậu địa phương đặc trưng với các trạng thái cực nóng và lạnh cùng với đai đất màu mỡ của Yamagata tạo ra nguồn ngũ cốc dồi dào và điều kiện lý tưởng để bò phát triển khỏe mạnh. Một điểm đặc biệt của thịt bò Yonezawagyu là độ béo cao và kết cấu thịt cực kỳ mềm tan khi thưởng thức.
Hitachigyu
Hitachigyu là giống bò sinh trưởng dưới sự chăm sóc thủ công ở Tỉnh Ibaraki, một vùng sản xuất ngũ cốc dài ngày của Nhât. Khẩu phần ăn bao gồm đại mạch và các loại ngũ cốc khác sẽ khiến thịt bò có những vân mỡ cẩm thạch cân đối. Thịt bò Hitachigyu nổi tiếng với thớ thịt mịn và mềm mại, có hương vị không thua kém các thương hiệu wagyu khác.
Thịt bò wagyu Mỹ
wagyu Nhật đến Mỹ lần đầu tiên vào năm 1975 khi Morris Whitney, khi đó đang làm nghiên cứu cho Đại học Colorado, đã nhập khẩu vào Mỹ hai con bò đực wagyu đen và hai con bò đực Waygu đỏ. Sau đó, từ năm 1993 đến 1997, chỉ có khoảng 200 con bò wagyu được xuất khẩu sang Mỹ, hầu hết là giống bò đen.
Năm 1997, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố wagyu là báu vật quốc gia và cấm xuất khẩu bò sang các nước khác.
Hai con bò đực wagyu đỏ (Rueshaw và Judo từ Kumamoto) đã được ghép với bò cái Angus, Holstein, Hereford và Brangus ở Texas
Hầu hết wagyu Mỹ là wagyu F1 (50% wagyu Nhật). Một điều đặc biệt là wagyu Mỹ vẫn có sự mềm mại và vân mỡ đặc biệt của giống bò wagyu, đồng thời lại giữ được một số hương vị thịt bò đậm đà hợp với khẩu vị của người Mỹ.
Thịt bò wagyu Mỹ thường thuộc loại Prime, gồm nhiều vân mỡ, tuổi sinh trưởng (carcass maturity) thấp, màu sắc và hình thức tối ưu.
Thịt bò wagyu Úc
Kể từ năm 1997, Nhật Bản chính thức cấm xuất khẩu giống bò wagyu. Úc lấy nguồn gen bò wagyu đầu tiên của họ từ Mỹ vào đầu những năm 1990.
Úc sản xuất nhiều bò wagyu bên ngoài Nhật Bản hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đa số bò wagyu được lai tạo với các giống bò bản địa có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu tốt hơn, thường là giống Holsteins cho loại thịt mềm hơn.
Bò Úc được cho là tận dụng tối đa điều kiện địa hình chăn thả gia súc, phát triển hệ thống bò ăn cỏ có chất lượng thịt gầy hơn, kết hợp với chất lượng vân mỡ (marble) đặc trưng của giống bò wagyu.
Phân loại chất lượng thịt bò wagyu
Hiệp hội phân loại thịt Nhật Bản cho điểm mỗi thân thịt dựa trên phân loại sản lượng (A, B hoặc C) và mức độ vân mỡ, độ cứng, màu sắc và chất lượng tổng thể (1-5), với A5 là điểm cao nhất có thể. Người tiêu dùng wagyu chỉ biết đến bò wagyu từ A3 đến A5. Các xếp hạng sản lượng B, C hoặc chất lượng thịt thấp hơn 3 chỉ có vai trò trong quản lý chất lượng của nhà sản xuất hoặc phân phối mà thôi.
Người tiêu dùng chủ yếu quan tâm đến điểm vân mỡ (từ 1 đến 12) hoặc xếp hạng chất lượng thịt từ 1 đến 5, dựa trên 4 yếu tố: điểm vân mỡ BMS, màu sắc và kết cấu thịt, và màu mỡ
1. Điểm vân mỡ BMS
Tiêu chí đầu tiên được đánh giá là rõ ràng nhất, vì nó là thứ làm cho wagyu trở nên đặc biệt - vân mỡ hay còn gọi là sashi. Thịt bò được đánh giá bằng tỷ lệ mỡ so với thịt nạc. Điểm BMS được cho từ 1 đến 12.
2. Màu sắc
Màu sắc của phần nạc được đánh giá bằng mức độ tối hay sáng. Các loại thịt tốt nhất có tông màu ở giữa, trong khi các loại thịt xếp hạng thấp hơn có tông màu nhạt hơn hoặc đậm hơn.
Màu tiêu chuẩn BCS (Beef Color Standard) từ 3-5 được xếp hạng 5 (cao nhất), trong khi dải màu rộng từ 1-7 được xếp hạng 2, các màu khác được xếp hạng 1 thấp nhất
3. Độ săn chắc của thớ thịt
Thịt bò được đánh giá bằng độ săn chắc của thớ thịt. Thịt bò phải chắc nhưng mềm. Điều này để nó không bị vỡ trong khi nấu nhưng cũng không bị dai.
Độ săn chắc của thịt được xác định bằng cách đánh giá trực quan lượng dịch tiết trên bề mặt cơ cắt như nước liên kết có chứa protein được giải phóng khỏi cơ và mức độ lõm trên bề mặt vết cắt. Thịt có điểm vân mỡ cao có khả năng giữ nước cao, có độ săn chắc tốt. Nhìn chung, thịt có độ ủ (aging) thấp hơn có độ ẩm cao hơn và độ săn chắc kém, và ngược lại. Kết cấu thịt có mối tương quan cao với đường kính của các bó cơ chính tạo thành cơ.
4. Độ bóng của mỡ
Độ bóng của mỡ cũng đóng một vai trò quan trọng vì điều này cho thấy chất lượng và độ mềm của mỡ. Mỡ càng sáng và bóng thì càng tốt. Xếp hạng cao nhất cho BFS (Beef Fat Standard) như trên hình từ 1 đến 4. Thịt có dải mầu mỡ từ trải dài 1 đến 7 có xếp hạng thấp nhất.
Việc phân loại thịt bò wagyu là một quy trình nghiêm ngặt, và như đã trình bày ở trên, vấn đề không nằm ở hương vị mà là ở chất lượng thịt.
Thịt bò wagyu xếp hạng A3 đến A5 thường sẽ được xếp hạng Prime trong hệ thống phân loại của USDA.
Wagyu A3 của Nhật, mặc dù nó có ít vân mỡ hơn so với hai loại A4 hoặc A5, nhưng vẫn mang lại hương vị umami hảo hạng cho người dùng. Thịt A3 vẫn có nhiệt độ tan chảy thấp, tan trong miệng đem lại trải nghiệm ẩm thực rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bò A3 sẽ dai hơn một chút so với các loại cao cấp A4 hoặc A5.
Tranh cãi về thịt bò wagyu
Có nhiều thông tin phóng đại về quá trình vỗ béo bò wagyu, thậm chí lan truyền những thông tin như những con bò thường xuyên say xỉn, ăn quá nhiều dinh dưỡng một cách phi tự nhiên, khiến chúng bị đầy hơi và bị chuột rút mãn tính.
Trên thực tế, đó là các hiện tượng không phổ biến, và việc hệ thống quản lý chất lượng hiện đại của Nhật Bản ngày càng chuẩn hóa hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện sẽ loại bỏ những hiện tượng này. Thực tế văn hóa Nhật Bản đối với thịt bò coi trong chất lượng (và sự tinh tế trong ẩm thực) hơn là số lượng.
Bò wagyu nhật bản không chỉ là sự tinh tế trong hương vị của món ăn, mà còn là sự tinh tế trong quá trình nhân giống và chăm sóc, có trong đó cả tình yêu và sự quan tâm. Sức khỏe của bò, đặc biệt là sức khỏe tinh thần được quan tâm tối đa, tạo ra một loại thịt hiếm có trên thế giới.
Có một định kiến cho rằng thịt bò wagyu quá béo không tốt cho sức khỏe. Trên thực tế, tỷ lệ mỡ trên tổng trọng lượng của bò wagyu không cao hơn bò angus. Nhưng do đặc tính di truyền, bò wagyu có lớp mỡ phân bố đồng đều khắp các thớ thịt, vân mỡ đẹp, khiến cho nó bị lầm tưởng là có quá nhiều chất béo.
Thịt bò ở Nhật Bản và các nước Đông Á khác được xem là thức ăn phụ, thay vì là nguồn thực phẩm chính. Thịt bò wagyu với các chất béo bão hòa ít gây hại hơn carbonhydrate và nhiều axit amin khác nên được xem là nguồn bổ sung dinh dưỡng hợp lý và có lợi cho sức khỏe.
Dinh dưỡng thịt bò wagyu
Thịt bò wagyu cực kỳ giàu axit béo không bão hòa đơn (MUFA) và chứa tất cả các axit amin thiết yếu, bao gồm axit béo omega-3 và omega-6.
MUFA ít ảnh hưởng đến cholesterol toàn phần, là chất béo ăn kiêng có lợi cho tim vì chúng có thể làm giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL)-cholesterol trong khi tăng lipoprotein mật độ cao (HDL)-cholesterol. Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng thịt bò có vân cẩm thạch cao không làm tăng LDL-cholesterol. Đánh giá này cũng nhấn mạnh rằng thịt bò có hàm lượng axit oleic cao như thịt bò wagyu có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. wagyu thực sự có mức cholesterol thấp nhất trong tất cả các loại thịt, kể cả cá hoặc thịt gà.
Trong 85 gram thịt bò wagyu A5 có 350 kcals, 33 gram chất béo, 0 gram carbs và 12 gram protein. Sự thực là thịt bò wagyu chứa nhiều chất béo và calo, nên chỉ nên ăn số lượng ít mỗi lần.
Cách chế biến
Thịt bò wagyu được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau. Các cách nấu ăn phổ biến nhất bao gồm bít tết, Sukiyaki, Shabu-shabu và Yakiniku
Với món bít tết A5. việc chế biến cần hết sức tỉ mỉ. Đầu tiên, cần đưa miếng thịt bò về nhiệt độ phòng trước khi nấu, đảm bảo miếng thịt chín đều khi nấu nhanh. Do loại thịt bò này có tỷ lệ mỡ cao, nhiệt độ tan chảy thấp, nên cần nêm muối trước khi áp chảo để gia vị thấm sau vào bên trong.
Nếu là miếng bít tết dày, áp chảo nhanh mỗi mặt trong 1 phút, để tạo lớp thịt xém giữ nước ngọt lại bên trong. Nếu là miếng thịt mỏng hơn, áp chảo mỗi mặt trong 45 giây. Sau đó để thịt nghỉ trong ít nhất 5 phút trước khi ăn. Nếu là món nướng, hãy đảm bảo lò nóng 200 độ trước khi đưa thịt vào lò. Bít tết bò wagyu được khuyến nghị không sử dụng bất cứ loại nước sốt nào, thay vào đó thưởng thức hương vị béo ngậy đặc biệt của chính nước ngọt trong thịt và mỡ bò.
Trong các món lẩu như sukiyaki hoặc sabu-sabu, những miếng thịt bò mỏng được nhúng trong thời gian ngắn trong hỗn hợp pha loãng gồm nước tương, rượu mirin và đường, sau đó nhúng vào trứng sống.
Nó cũng có thể được phục vụ như sashimi, sushi hoặc làm nhân cho một chiếc bánh sandwich rất sang trọng.
Một món ăn không thể bỏ qua với bò wagyu là món cơm chiên sử dụng lớp mỡ dư thừa, nhưng rất thơm ngon và bổ dưỡng của loại thịt bò này. Cơm chiên bằng loại mỡ này được miêu là có lớp mỡ tan ngay trong miệng, tạo độ béo ngậy và hương vị tinh tế hiếm có.
Ngày càng có nhiều siêu thị đặc sản bên ngoài Nhật Bản, chẳng hạn như Marukai, Tokyo Central, Aeon mall (hoặc tại đây) , bán wagyu chính hiệu được nuôi tại Nhật Bản, tuy với số lượng hết sức hạn chế. Đây là một lợi ích cho các đầu bếp tại gia trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, những người giờ đây có thể dùng thử những sản phẩm được chăm sóc tỉ mỉ và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Nhật Bản để có thể trải nghiệm hương vị đích thực của đất nước mặt trời mọc
Nguồn: thucphamnhapkhau.vn tổng hợp
Ý kiến (0)
Bạn cần login để đăng ý kiến