Luôn coi
cái đẹp là một trong những chuẩn mực cao nhất, nên trong ẩm thực, người Nhật cũng coi trọng mỹ cảm khi ăn ngang với giá trị dinh dưỡng của món ăn. Điều đó thể hiện rõ nhất trong
cách thức chế biến và trang trí món bánh wagashi (hòa quả tử, món bánh ngọt truyền thống của xứ hoa anh đào). Đây là món bánh mà từ xa xưa, người Nhật làm để dâng cúng
các vị thần và tặng nhau trong những ngày trọng đại của cuộc đời.
Khi
trà đạo trở thành một nghệ thuật trong đời sống tinh thần người Nhật, là phương tiện tĩnh tâm bằng cách hòa mình với thiên nhiên, wagashi được đưa vào trong tiệc
trà như một cách thể hiện chắt lọc nhất, tinh tế nhất vẻ đẹp của hoa lá, cây cỏ, muông thú. Cách trang trí, trình bày, thưởng thức mỗi loại bánh cũng là một nghệ thuật cần được học hỏi tỉ mỉ và sáng tạo không ngừng. Chiếc bánh khi đã dọn ra chẳng khác gì tác phẩm nghệ thuật được người Nhật nâng niu như nâng cánh hoa hay một cành tre phủ tuyết.
Tùy theo mùa, bánh wagashi được làm bằng những nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là từ thực vật như các loại bột, đậu, thạch
rong biển, đường mía, gừng, mè, trái cây khô... Hình ảnh thiên nhiên bốn mùa chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ nhân làm bánh. Mùa xuân, đĩa bánh là muôn hoa khoe sắc. Mùa hè nóng nực thì bánh long lanh, trong suốt, mát rượi như nước. Mùa thu bánh như chiếc lá phong đỏ thắm trong rừng chiều. Mùa đông bánh có dạng những con cá nướng vàng, gợi cảm giác ấm áp của bếp lửa gia đình. Nhìn vào đĩa bánh, người ta biết mùa đến và mùa đi.
Với niềm đam mê sáng tạo, người Nhật làm ra nhiều loại wagashi, phổ biến nhất là các loại sau:
- Hanabiramochi: chiếc bánh mang hình cánh hoa. N
gày xưa, khi đường còn hiếm và đắt thì đây là món chỉ dành cho hoàng gia thưởng thức vào dịp đầu năm.
- Mochigashi: làm từ
gạo nếp, gói trong lá sồi, ăn vào mùa xuân.
- Dango: cũng làm từ bột nếp, vo tròn làm thành từng viên nhỏ sau đó xiên vào cây và rưới lên bánh một lớp mật mía. Đây cũng là thức ăn dễ gặp trên đường phố Nhật Bản cùng với các loại cá viên,
tôm viên chiên... Bánh thường để quanh bếp than và được nướng trước khi ăn, rất hấp dẫn.
- Nerikiri và Namagashi: được làm từ bột
đậu trắng, pha với màu tạo ra nhiều hình dạng hoa lá đủ màu sắc.
- Dorayaki và Monaka: thường mang hình hoa đào hoặc hoa cúc mà nhân chính giữa là đậu đỏ, còn lớp vỏ mỏng giòn làm từ
trứng và bột mì.
- Manju: bánh bột mì hoặc
bột củ từ hấp, nhân đậu xay nhuyễn.
- Yokan: làm từ rong biển và đường mía, trông giống thạch, ăn rất mát trong mùa hè. Thời xưa đây là món quà tặng phổ biến của giới quý tộc.
- Higashi: làm từ
bột nếp và đường mía xay nhuyễn, cho vào khuôn và để khô, tương tự như bánh in.
Nếu những con chiên nguyện cầu trước khi ăn, phật tử thực hành quán niệm trước khi dùng bữa thì người Nhật ngắm những chiếc bánh nhỏ xinh rất lâu trước khi thưởng thức. Văn hóa ẩm thực Nhật phảng phất tính thiền, làm bánh hay ăn bánh đều là quá trình tĩnh tâm, hướng đến cái đẹp. Vị thơm bùi của ngũ cốc, vị ngọt thanh của đường mía sẽ được cảm nhận trọn vẹn khi thực khách ý thức rằng mình đang thưởng thức cuộc sống.
Ở đất nước ngàn cánh hạc, thời gian qua đi rồi quay về theo mùa, theo những đổi thay màu sắc, hình dáng của chiếc bánh wagashi.
(Nguồn: duhocnhatban.edu.vn )