Dịch cúm gia cầm bắt đầu từ Châu Âu đã lan ra toàn cầu
Một đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 (avian influenza) bắt đầu vào năm 2021 đã trở thành đợt bùng phát cúm gia cầm lớn nhất trong lịch sử, bắt đầu từ Châu Âu và đã lan sang Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
Trong năm 2021 và 2022, hầu hết sự lây lan xảy ra ở một số vùng nhất định, đặc biệt là ở Đông Nam nước Pháp, thủ phủ của ngành công nghiệp gan ngỗng béo, cũng như với đàn gà tây ở Đông Bắc Ý. Dịch cũng bùng phát ở Hungary, quốc gia sản xuất gan ngỗng béo thứ hai ở EU.
Trong số các đợt bùng phát gia cầm, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Pháp với 68% tổng số ca bệnh gần đây, trong khi Hungary có 24% ca bệnh. Không có quốc gia EU nào khác chiếm hơn 2%, với số lượng phát hiện ở các loài chim hoang dã đã được báo cáo ở Đức (158), tiếp theo là Hà Lan (98) và Vương quốc Anh (48) và nhiều quốc gia EU khác.
Cơ quan quản lý của Pháp EFSA Francesca Baldinelli gọi dịch bệnh hiện tại “chắc chắn là dịch bệnh nghiêm trọng và tàn khốc nhất mà chúng tôi từng quan sát thấy ở châu Âu” - cả về số lượng và phạm vi địa lý, vì các trường hợp đã được tìm thấy “từ cực Bắc đến cực Nam của châu Âu".
Tại Hoa Kỳ, vi-rút H5N1 đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng triệu con gà, gà tây, vịt và ngỗng nuôi thương mại, đồng thời giết chết hàng nghìn con chim hoang dã. Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong 90 ngày vào tháng 12 năm 2022 sau khi hơn 13.000 con bồ nông chết trên các bãi biển của nước này, có thể do đã bị nhiễm H5N1.
Trong 18 tháng qua, đợt bùng phát dịch cúm gia cầm toàn cầu lớn nhất từng được ghi nhận đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, và chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt trong thời gian tới, thậm chí có nguy cơ trở thành dịch bệnh đặc hữu. Điều này làm dấy lên lời kêu gọi về một giải pháp triệt để hơn và việc tiêm phòng (chi phí khá đắt đỏ) đang trở thành kịch bản có khả năng xảy ra nhất.
Cúm gia cầm đã bùng phát như thế nào
Các chuyên gia cho biết, các loài chim hoang dã, di cư theo mùa (thường từ tháng 11 đến tháng 2) bao gồm cả loài chim nước như vịt trời, có thể mang virus cúm gia cầm mà không có biểu hiện bệnh và dễ dàng lây lan sang các loại gia cầm nuôi như vịt và gà tây. Việc lây lan có thể trầm trọng hơn do mật độ tập trung dày đặc các trang trại nuôi gia cầm thương mại ở Châu Âu, đặc biệt ở miền Nam.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, cúm gia cầm độc lực cao, chẳng hạn như loại đang lưu hành trên toàn cầu, có thể gây bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng, với tỷ lệ tử vong lên tới 90% đến 100% ở gà (và vịt), thường trong vòng 48 giờ. Nếu một con gia cầm trong đàn bị cúm gia cầm, nông dân thông thường phải tiêu hủy toàn bộ gia cầm của họ để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút do nó rất dễ lây lan.
Nếu người nông dân phát hiện một trường hợp dương tính, theo luật định, anh ta phải gọi điện cho bác sĩ thú y. Nếu họ tìm thấy thứ gì đó, họ sẽ ngay lập tức phong tỏa trang trại và tiêu hủy đàn gia cầm. Việc giết mổ hàng triệu con gia cầm nuôi phải trả giá đắt, và có thể gây phản ứng mạnh trong cộng đồng.
Vụ dịch đã gây ra thiệt hại hơn 58,3 triệu gia cầm ở châu Âu - đặc biệt là thiệt hại đối với vịt, gà tây và gà - và hàng tỷ đô la hỗ trợ của chính phủ cho các nhà sản xuất.
Nguy cơ lây nhiễm cho người
Cúm gia cầm không lây truyền khi ăn thịt gia cầm và trứng đã được nấu chín kỹ.
Báo cáo ở Peru cho thấy virus cúm trong đại dịch lần này có thể lây từ động vật có vú sang động vật có vú. Đầu năm 2022, Peru báo cáo cái chết của 585 con sư tử biển do virus.
Nếu vi-rút đã biến đổi để có thể lây truyền từ động vật có vú sang động vật có vú, thì đó có thể là một bước trung gian để lây truyền từ người sang người. Nhà chức trách cho biết các loài động vật có vú bao gồm gấu, hải cẩu, cáo và chồn hôi đã bị nhiễm cúm gia cầm.
Tin tốt về H5N1 là nó hiện không lây lan giữa người với người. Hầu hết những người nhiễm H5N1 đều lây trực tiếp từ việc tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh - cụ thể là gà, gà tây, vịt và ngỗng, thường được nuôi trong các khu vực tập trung trong các trang trại thương mại quy mô lớn. Chỉ có một số ít ví dụ về sự lây lan từ người sang người. Do H5N1 không lây lan giữa người với người và do việc lây nhiễm trực tiếp sang người từ chim bị nhiễm bệnh vẫn còn tương đối hiếm nên H5N1 chưa bùng phát thành dịch bệnh hay đại dịch ở người.
Ngành công nghiệp gan ngỗng béo của Pháp bị ảnh hưởng nặng nề
Pháp là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch cúm gia cầm trong các quốc gia thành viên EU. Nước này được cho là đã tiêu hủy hơn 21 triệu con gia cầm.
Sau khi chính quyền áp dụng các biện pháp tiêu hủy, số lượng vịt và ngỗng nuôi thương mại dự kiến sẽ giảm từ 21 triệu con vào năm 2021 xuống còn 15 triệu con vào năm 2022, theo hiệp hội các nhà sản xuất CIFOG.
Theo báo cáo của Poultry World, sản lượng gan ngỗng của Pháp giảm năm thứ 3 liên tiếp trong năm 2022. Khoảng 30.000 người đang làm việc trong ngành công nghiệp gan ngỗng béo (foie gras) của Pháp, với 90% trong số họ sống ở các vùng Périgord (Dordogne), Aquitaine ở phía tây nam và Alsace ở phía đông.
Tại Pháp, theo Jean-Michel Schaeffer, chủ tịch Liên đoàn Gia cầm Pháp, vào năm 2022 “tác động ước tính đối với toàn ngành là rất lớn, chúng tôi ước tính là 2 tỷ euro.” Những thiệt hại này (của nhà sản xuất) phần lớn đã được đền bù bằng ngân sách chính phủ.
Theo dữ liệu của chính phủ Pháp, 21,8 triệu động vật đã bị tiêu hủy ở Pháp kể từ khi bắt đầu dịch bệnh (tháng 8 năm 2021), khiến chính phủ phải dành 1,1 tỷ euro cho việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại.
Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Bulgaria và Hungary sản xuất khoảng 90% gan ngỗng béo của thế giới. Năm 2012, Pháp sản xuất khoảng 19.000 tấn gan ngỗng béo, chiếm 75% sản lượng của thế giới, ước tính khoảng 38 triệu con vịt và ngỗng.
Tổng lượng tiêu thụ gan ngỗng của Pháp trong năm nay là 19.000 tấn. Hungary, nhà sản xuất gan ngỗng lớn thứ hai thế giới, đã xuất khẩu 1.920 tấn, và Bulgaria sản xuất 1.500 tấn gan ngỗng.
Pháp là nước đầu tiên ở EU đặt hàng vắc-xin cúm gia cầm
Có những lo ngại rằng, dịch cúm gia cầm đang trở thành dịch bệnh đặc hữu, và quy mô trang trại gia cầm ở Châu Âu là quá dày. Giải pháp khả thi nhất lúc này là tiêm vắc xin ngừa cúm cho đàn gia cầm.
“Các cuộc khủng hoảng sức khỏe do cúm gia cầm gây ra đã tái diễn và ngày càng gia tăng về quy mô, điều đó có nghĩa là các biện pháp phòng ngừa tại các trang trại gia cầm của Pháp cần phải được tăng cường”, cơ quan an toàn và sức khỏe của Pháp, ANSES, cho biết.
Pháp đã mở thầu 80 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm khi nước này chuẩn bị bắt đầu chương trình tiêm chủng vào mùa thu 2023. Đây là thành viên đầu tiên của EU bắt đầu một kế hoạch như vậy, Reuters đưa tin.
Cho đến nay, các chính phủ vẫn do dự triển khai các chương trình tiêm phòng, chủ yếu là do lo ngại tác động có thể xảy ra đối với lĩnh vực thương mại.
ANSES chống lại việc tiêm chủng khẩn cấp, vì khoảng thời gian dài giữa việc tiêm vắc xin và thời điểm vắc xin phát huy tác dụng: khoảng 3-4 tuần để có được khả năng miễn dịch. Hơn nữa, tiêm vắc-xin cho gia cầm giữa lúc dịch bệnh có xu hướng làm tăng lưu lượng người đến các trang trại và do đó có nguy cơ vi phạm an toàn sinh học.
ANSES đã đề xuất 3 kịch bản liên quan đến nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm, được thiết lập theo cách tiếp cận từng bước dựa trên các nguồn lực vắc xin hiện có:
Kịch bản 1:
Tiêm phòng cho động vật ở các trang trại hạt nhân và (sau đó) từng bước nhân rộng cho tất cả các khu vực. Bước này có ưu điểm là chỉ cần một số liều vắc-xin nhất định. Nó cũng có thể bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm của Pháp khỏi tác động của một đợt dịch bệnh mới ở động vật bằng cách bảo tồn tiềm năng di truyền và khả năng đưa gia cầm trở lại sản xuất sau khi dịch bệnh kết thúc.
Kịch bản 2:
Tiêm phòng cho (một số loại gia cầm tại) các trang trại nuôi gia cầm chăn thả ngoài trời. Mục tiêu của kịch bản này là hạn chế quy mô bùng phát bằng cách nhắm mục tiêu vào các trang trại chăn thả nơi vi-rút có khả năng xâm nhập và lây lan cao nhất. Kịch bản này yêu cầu lượng vắc-xin lớn hơn so với Kịch bản 1.
Kịch bản 3:
Nếu có đủ vắc-xin, tiêm phòng cho (hầu hết) đàn gia cầm.
Gert-Jan Oplaat, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Buôn bán Gia cầm tại các nước EU, cho biết: “Tại sao chúng ta ngày càng chứng kiến những dịch cúm gia cầm rất nghiêm trọng là một câu hỏi rất khó trả lời.” Tuy nhiên, bằng chứng từ báo cáo của chính EFSA cho thấy mật độ quá mức của các trang trại gia cầm là gốc rễ của vấn đề. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6, cơ quan EU đã yêu cầu kích hoạt “chiến lược trung hạn” để giảm mật độ chăn nuôi gia cầm ở một số khu vực sản xuất tập trung. Theo tài liệu, trong những tháng cuối mùa xuân và đầu mùa hè, 86% các vụ bùng phát gia cầm là do lây truyền từ trang trại sang trang trại.
Ngành công nghiệp đã đi đầu trong việc tăng cường các biện pháp an toàn sinh học hơn bao giờ hết, chẳng hạn như giảm mật độ động vật trong các cộng đồng đông dân cư nhất. Nhưng về lâu dài, ngành này chủ yếu dựa vào tiêm chủng, “tia hy vọng duy nhất”, theo Thượng nghị sĩ Pierre Médevielle.
Thiếu hụt nguồn cung gan ngỗng béo
Pháp có 3.500 nhà sản xuất gan ngỗng béo. Do dịch cúm gia cầm, hàng năm đang thiếu khoảng 30 đến 40% sản lượng gan vịt hoặc ngỗng. Đặc biệt chất lượng con giống bị suy giảm nghiêm trọng. Việc thiếu con giống khiến các nhà sản xuất phải sử dụng vịt cái, vốn cho chất lượng gan thấp hơn.
Labeyrie, thương hiệu lớn nhất về bán lẻ gan ngỗng béo, cho biết trong mùa lễ cuối năm 2022, nguồn cung foie gras thiếu hụt từ 30 đến 40%.
Giá năng lượng và thức ăn chăn nuôi tăng vọt, hậu quả từ xung đột ở Ukraine, cũng sẽ khiến gan giá gan ngỗng tăng mạnh. Giá gan ngỗng tăng trung bình 20% trong năm 2022, tương đương 0,5 euro cho một phần 40 gram.
Ngành gan ngỗng của Pháp xuất khẩu khoảng 20% sản lượng, chủ yếu sang Tây Ban Nha và Bỉ và các thị trường mới mở khác, chủ yếu ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Dự kiến giá tăng không làm suy giảm nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp này.
Các nhà sản xuất không mấy lạc quan, dự kiến nguồn cung gan ngỗng béo sẽ không trở lại bình thường trước nửa cuối năm 2023.
Bao giờ hết dịch cúm gia cầm
Tin không vui với những người hâm mộ món gan ngỗng béo, là dịch cúm gia cầm có nguy cơ trở thành dịch đặc hữu ở châu Âu, có khả năng lặp lại trong các năm và cần có vác xin và biện pháp tiêu hủy mạnh tay để ngăn ngừa lan rộng.
Gert-Jan Oplaat, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Buôn bán Gia cầm tại các nước EU, cho biết: ” Trước đây, dịch cúm gia cầm có thể lây lan từ tháng 11 đến tháng 2. Đây là lần đầu tiên nó gần như trở thành dịch bệnh đặc hữu. "
Diné Areport từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu cảnh báo các đợt bùng phát cúm gia cầm mới đối với hoạt động chăn nuôi gia cầm có thể gia tăng trở lại trong vài tháng tới (2023).
Nguy cơ gia tăng khi các loài chim hoang dã bắt đầu di cư hàng năm đến các khu vực có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm và trứng công nghiệp. Báo cáo cho thấy các khu vực này có rủi ro đặc biệt cao - tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm đang thúc đẩy sử dụng vắc-xin như một giải pháp thay vì đóng cửa các trang trại nuôi công nghiệp.
Nguồn: thucphamnhapkhau.vn tổng hợp
Ý kiến ()