Úc xuất khẩu 1.000 con bò sang Việt Nam 211

Lần đầu tiên trong vòng bảy năm qua, Úc sẽ xuất khẩu trực tiếp 1.000 con bò sang Việt Nam.

Úc xuất khẩu 1.000 con bò sang Việt Nam

Sự kiện này được xem là một ‘tia hy vọng nhỏ’ cho ngành công nghiệp gia súc Úc vốn bị ảnh hưởng lớn hồi giữa năm 2011.

‘Bước thử nghiệm nhỏ’

Tin cho hay Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu Súc sản gia cầm Hải Phòng và Chính phủ Vùng Lãnh thổ phía Bắc Úc đã xúc tiến hợp tác xuất nhập khẩu giữa hai bên và việc làm đầu tiên là phát triển thị trường tiêu thụ bò thương phẩm của Úc tại Việt Nam.

Theo đó dự kiến vào ngày 7/9 tới, lô hàng nhập khẩu 1.000 con bò (trị giá khoảng gần 1 triệu đô-la) bằng đường biển từ Darwin đến Hải Phòng sẽ mở đầu cho dự án phát triển chăn nuôi bò Úc tại nước này.

Ông Luke Bowen, người đứng đầu Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc Vùng Lãnh thổ phía Bắc Úc (NTCA), cho hay: “Đây là một bước thử nghiệm nhỏ để xem mọi việc tiến triển như thế nào”.

Trong khi đó, một đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu Súc sản gia cầm Hải Phòng cho Bay Vút hay: “Đây là một bước đột phá của công ty mặc dù còn khá nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ”.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam mạnh dạn nhập khẩu toàn bộ bò Úc và sẽ thực hiện quy trình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ và cung cấp sản phẩm ra thị trường sau bảy năm qua.

Năm 2004, đã có hơn 1.000 con bò Úc nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ chăn nuôi bò thịt.

Ông Luke Bowen cho biết từ nhiều năm qua ngành công nghiệp gia súc và chính quyền Vùng Lãnh thổ phía Bắc Úc đã tìm kiếm những thị trường mới để xuất khẩu gia súc sống.

Điều này đặc biệt được quan tâm hơn kể từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gia súc sang Indonesia kéo dài hai tháng của chính phủ Úc từ giữa năm 2011 sau khi có những phát giác về tình trạng ngược đãi động vật ở các lò mổ nước này. Lệnh cấm dù đã được bãi bỏ vào ngày 6/7 song đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp gia súc Úc.

Trong bối cảnh đó, lô hàng gia súc từ Úc xuất khẩu sang Việt Nam đã được đôi bên nỗ lực xúc tiến dù đã có nhiều trở ngại như đồng đô-la Úc tăng giá.

Được biết, việc xuất khẩu gia súc giữa Bắc Úc và Việt Nam vốn được thương thảo từ năm 2008. Khi đó Darwin làm việc với Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa. Hai bên ký bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 11/2008 và ký kết hợp đồng vào tháng 10/2009. NTCA đã rất hào hứng với dự án bởi việc xuất khẩu gia súc sang Việt Nam giúp họ mở rộng thị trường ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những biến động kinh tế cùng việc thay đổi đối tác ở Việt Nam đã khiến việc thực hiện hợp đồng trì hoãn suốt năm 2010.

NTCA cho biết việc xuất khẩu gia súc sang Việt Nam không bù đắp được phần sút giảm doanh thu bởi lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường lớn Indonesia – nơi mỗi năm nhập khẩu 500.000 con gia súc từ Úc.

“Việt Nam tất nhiên không thể trở thành một thị trường lớn song đây là thị trường có tiềm năng tiêu thụ một phần gia súc từ Vùng Lãnh thổ phía Bắc Úc”, ông Luke Bowen nhận định.

Đảm bảo giết mổ đúng chuẩn

Gia súc Úc khi được đưa vào Việt Nam sẽ phải đảm bảo các điều kiện giết mổ nghiêm ngặt tương tự như tiêu chuẩn áp dụng ở Indonesia và quốc tế.

Để hợp đồng xuất khẩu cả ngàn con bò Úc sang việt Nam được thực thi, Hiệp hội chăn nuôi Úc đã khảo sát trang trại, cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển và huấn luyện cho công nhân thực hiện quy trình giết mổ đúng tiêu chuẩn. Công ty Cổ phần đầu tư và Xuất khẩu súc sản gia cầm Hải Phòng đã ký cam kết việc giết mổ gia súc nhập từ Úc đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt.

Bộ trưởng Công nghiệp Bắc Úc Kon Vatskalis cho hay việc ngược đãi gia súc khi giết mổ ở Indonesia trước đây sẽ không tái diễn ở Việt Nam.
Ông Vatskalis cho hay cơ sở giết mổ ở Việt Nam có tiêu chuẩn cao và sạch ‘theo kiểu Úc’.

Tác động ở Việt Nam

Việc nhập khẩu gia súc từ Úc được xem là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ bò thịt ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất gia súc của nước này.

Trả lời phỏng vấn Bay Vút hôm nay 26/8, Tiến sĩ Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (Bộ Công thương) cho biết: “Hiện nay sản lượng thực phẩm gia súc cung ứng cho thị trường ở Việt Nam có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2010 sản lượng đạt tỷ lệ tăng trưởng 13% thì năm nay chúng tôi dự báo chỉ tăng khoảng 6 – 8%. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ vẫn rất lớn. Chính vì vậy mà việc nhập khẩu gia súc từ bên ngoài sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu này”.

Dù vậy, Tiến sĩ Xuân cho rằng việc nhập khẩu gia súc “chỉ là biện pháp cấp thời, còn về lâu dài thì ngành chăn nuôi gia súc của Việt Nam phải tiến đến các giải pháp căn cơ để gia tăng sản lượng, đủ sức đáp ứng thị trường và không phải phụ thuộc nhập khẩu”.

“Dịch bệnh, giá cả tăng cao, vấn đề an toàn vệ sinh trong giết mổ và việc người chăn nuôi gia súc chưa được hỗ trợ tối đa đã khiến sản lượng thực phẩm gia súc thiếu hụt”, ông Xuân cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói ngành chăn nuôi gia súc nước này “cần được đầu tư đồng bộ về mọi mặt để phát triển bền vững, tăng cường công tác thú y phòng chống dịch bệnh, xây dựng mô hình giết mổ, chế biến gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi cả nước”

(bayvut.com)

Ý kiến (0)