Cách ăn mì của người Nhật

Để thưởng thức mì ramen, phải thích cái không khí và sự chung đụng của các quán nhỏ; phải thích tiếng húp, nuốt ồn ào của người ăn. Với đa số người Nhật, ăn mì như thế mới ngon.

Cách ăn mì của người Nhật
Người Nhật có ba loại mì: soba là loại mì sợi nhỏ; oudon là loại mì sợi to làm bằng bột lúa mạch ba góc; mì làm theo lối Trung Quốc, gọi là ramen, thì luôn được ăn với nước lèo nóng, các lát thịt heo xá xíu và rau.
Thường là ngồi trên chiếc ghế đẩu thô sơ trước quầy hàng của c quán cóc, người ta mới được ăn những tô mì ramen ngon nhất.
Khi đói bụng, một người Nhật - nếu ông ta không muốn tiêu quá nhiều tiền hay khi ông ta cần một món ăn nóng sau một tối nhậu say - không ăn sushi hay các món ăn cầu kỳ, mà ăn một tô mì ramen.
Các quán mì hầu như không được ghi trong cuốn sách hướng dẫn (guide) của hãng Michelin (Pháp) về các tiệm ăn ở Tokyo. Thế mà như ta biết, số sao mà cuốn guide này đã thưởng cho các tiệm ăn ở Tokyo năm 2010 nhiều gấp gần ba lần so với Paris: Tokyo đã nghiễm nhiên trở thành thủ đô ẩm thực của thế giới! Phải chăng là vì các chuyên gia quá kén ăn của cuốn guide "Michelin" cho rằng món mì ramen là quá "bình dân" nên không đáng nhắc đến? Thực ra, cũng không cần đi đến các khu phố nghèo mới tìm ra các tiệm mì ramen, vì chúng hiện diện gần như ở khắp nơi: có đến hơn 4 000 tiệm ở Tokyo và hơn 200 000 tiệm ở cả nước Nhật.
Dù rất bình dân, món mì được nhiều người sành ăn ca ngợi. Rất nhiều sách hướng dẫn, tạp chí, chương trình truyền hình, trang web hay sách hình chuyên bàn về nó, giới thiệu các món mì đặc biệt và các cách làm mì. Thành phố Yokohama dành cho nó cả một bảo tàng. Còn có cả các lộ trình nên theo để tìm được các quán mì ngon: giống như trong các cuộc hành hương đến các ngôi chùa danh tiếng, những người mê ăn mì thường yêu cầu chủ quán đóng dấu vào một cuốn sổ để chứng thực là họ đã từng đến ăn!
Vào buổi trưa, thực khách sắp hàng rất dài trước các tiệm mì nổi tiếng, thường khá rẻ: chưa đến 9 USD một tô.
Đối với người Nhật, mì ramen gắn liền với lịch sử của đất nước họ. Nó là món ăn của người nghèo và của các thời buổi khan hiếm. Nó cũng đã nuôi sống nhiều thế hệ sinh viên túng tiền. Ngay cả hiện nay, nếu ta hỏi một bé con là nó muốn ăn gì, thì nó thường trả lời: mì ramen!
Các tô mì ramen xuất hiện ở Nhật vào nửa sau của thế kỷ 19 ở các hải cảng như Yokohama, nơi có nhiều người Trung Quốc đến lập nghiệp. Chính họ đã đưa món mì ramen vào Nhật. Nhưng món mì ramen chỉ thực sự được nhiều người Nhật ưa thích từ sau thế chiến II, như ta thấy trong phimHương vị cơm ăn với nước chè xanh (1952) của Yasujiro Ozu. Rồi nó lại càng phổ biến cùng với sự xuất hiện của loại mì ăn liền đựng trong cốc làm bằng bìa cứng (cup noodle), được tung ra thị trường vào năm 1970. Như ta biết, các gói mì ăn liền đã được Momofuku Ando "phát minh" trước đó mười ba năm.
Cùng với sự phồn vinh của Nhật, món mì ramen trở nên đa dạng hơn, với các gia vị của riêng mỗi vùng: có đến 28 tỉnh (trên 47) tạo ra được món mì đặc sản. Trong phim Tampopo (1982), nhà đạo diễn Juzo Itami đã ca ngợi hết lời nghệ thuật mì ramen.
Thường là ngồi trên chiếc ghế đẩu thô sơ trước quầy hàng của các quán cóc, người ta mới được ăn những tô mì ngon nhất. Thông thường, người chủ tiệm tự làm các tô mì rồi dọn cho khách. Theo những người sành ăn, cái ngon của tô mì ở cả trong nước lèo hơi lềnh nấu bằng xương heo.
Để thưởng thức mì ramen, phải thích cái không khí và sự chung đụng của các quán nhỏ; phải thích tiếng húp, nuốt ồn ào của các người ăn, điều mà người châu Âu vốn cho là thô tục: nhưng ở Nhật mọi tầng lớp xã hội đều ăn mì như thế cả. Thỉnh thoảng mới nghe vài câu nói ngắn, vì mọi người đến đó không phải để trò chuyện.
Khuôn mặt của người ăn thường biến mất sau tô mì, được nâng lên đến tận miệng để không một giọt nước lèo hay một sợi mì nào bị rơi xuống đất. Nó chỉ hiện ra trở lại sau khi tô mì sạch bóng được trả lại cho chủ quán. Rất hài lòng, người vừa ăn xong mỉm cười khoái trá.
Tất cả những điều vừa miêu tả đúng là không mấy "thanh lịch", nhưng đối với đa số người Nhật, phải ăn mì như thế thì mới ngon.
(Nguồn: ST )

Ý kiến (0)