Nhập thịt ồ ạt, người nuôi lo lắng

Lượng thịt heo nhập khẩu ồ ạt trong tháng 7 đã góp phần giúp giá thực phẩm trong nước chững lại, nhưng khiến người nuôi đứng ngồi không yên.

Nhập thịt ồ ạt, người nuôi lo lắng

Thịt heo nhập khẩu tăng gấp 4 lần

Cơ quan Thú y Vùng VI thuộc Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đơn vị chuyên phụ trách kiểm dịch các sản phẩm nhập khẩu, cho biết lượng thịt heo đông lạnh trong tháng 7 đột ngột tăng mạnh, đạt 1.300 tấn, tăng hơn 4,3 lần lượng thịt nhập về trong tháng 6. Lượng thịt gà nhập khẩu cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Và xu hướng tăng này vẫn đang tiếp diễn trong tháng 8, theo ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI.

Thịt heo nhập khẩu tăng mạnh, theo lời giải thích của các công ty nhập khẩu do giá thịt trong nước tháng 7 tăng quá cao, trong khi giá thịt nhập khẩu lại thấp hơn nhiều nên nhập thịt về là giải pháp được nhiều công ty lựa chọn để tránh bị lỗ vốn.

"Thịt đùi heo nhập về giá chỉ có 65.000 đồng/kg, rẻ hơn giá thịt đùi trong nước đến 25.000 - 30.000 đồng/kg. Cánh gà nhập khẩu cũng rẻ hơn trong nước 25.000 đồng/kg. Với giá trong nước cao ngất ngưởng như thế, mua về kinh doanh sẽ lỗ nặng nên chúng tôi buộc phải nhập khẩu thôi" - ông Đoàn Ngọc Thơ - Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ THO, lý giải. Do giá thấp hơn nhiều nên thịt nhập khẩu về "bán chạy như tôm tươi". Trong đó, nguồn tiêu thụ chính của thịt nhập khẩu là các bếp ăn công nghiệp, kế đến là các chợ bán lẻ.

Chị Sáu Hoa - một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: "Mấy ngày nay thịt nhập khẩu đông lạnh, sạp tôi có được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Bán rất nhanh trong vòng có hơn một tiếng đồng hồ trong buổi sáng. Cũng dễ hiểu thôi, trong thời buổi giá cả tăng vùn vụt như thế này, có được loại thịt cũng thơm ngon mà lại rẻ hơn đến 20.000 - 25.000 đồng/kg thì hỏi ai lại không mua. Nhiều người còn dặn tôi mai có hàng để dành cho họ nữa kìa".

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Cục không hề nới lỏng quy định nhập khẩu mặt hàng này, việc thịt đông lạnh nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 7 chỉ thuần túy do sự chênh lệch cao giữa giá thịt nhập và thịt trong nước, như nước chảy vào chỗ trũng.

Người chăn nuôi lo lắng

Giá heo hơi ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong hơn nửa tháng nay đã liên tục giảm, hiện chỉ còn mức 55.000 đồng/kg, giảm tổng cộng khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng 7. Giá giảm liên tục đã làm người nuôi lo lắng, nay cộng thêm với việc thịt nhập khẩu tăng ồ ạt đã làm họ như "ngồi trên đống lửa".

Anh Cao Quang Khải - chủ trại heo 600 con heo nái và hơn 3.000 con heo thịt ở Đồng Nai, lo lắng: "Hai năm nay dịch bệnh nhiều, nhà tôi lỗ mấy tỷ đồng. Năm nay giá heo mới có giá, tôi vừa vay tiền mở rộng đàn với hy vọng gỡ gạc chút đỉnh. Ai dè mới được mấy tháng heo lại rớt giá. Giờ thịt nhập khẩu lại về nhiều như thế, giá sẽ còn rớt nữa, không khéo sắp tới lỗ như chơi."

Theo Cơ quan Thú y Vùng VI, trong 7 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu khoảng 50.500 tấn thịt các loại. Tất cả số thịt này, theo ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI, đều đã được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm kỹ càng, đạt yêu cầu mới cho thông quan.

Sự lo lắng của anh Khải là có cơ sở khi mà thực tế giá heo tăng trong năm nay do chi phí đầu vào tăng. Nếu mấy năm trước giá thành một kg thịt heo chỉ khoảng 30.000 đồng thì năm nay nếu tính đầy đủ cả khấu hao dịch bệnh thì con số này đã đẩy lên tới 50.000 đồng/kg.

"Bây giờ giá heo hơi 55.000 đồng/kg còn lời chút đỉnh, nhưng nếu giá vẫn tiếp tục rớt nữa thì thời gian sắp tới chúng tôi thực sự không biết có nên nuôi nữa hay không" - chị Thái Thị Sang, một người nuôi heo ở Tây Ninh bày tỏ sự bất an.

Chia sẻ với sự lo lắng của người chăn nuôi, đại diện Công ty Vissan, cũng cho rằng nếu lượng thịt nhập về nhiều quá sẽ có nhiều khả năng bóp chết ngành chăn nuôi trong nước vừa mới chỉ cố sức gượng dậy. "Ngoài ra bài học cho nhập khẩu thịt về và nhập luôn cả dịch bệnh, như dịch heo tai xanh lây từ heo Trung Quốc nhập khẩu sang của mấy năm trước, vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với người dân cả nước" - vị này lo lắng.

Theo Dân Việt

Ý kiến (0)