Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Đà Nẵng không còn là cái tên mới trên bản đồ du lịch vì vậy mọi dịch vụ du lịch ở đây đều rất tiện nghi. Bạn có thể thưởng thức những giây phút tuyệt vời trên đỉnh núi, trong rừng sâu hay bên bờ sông, bờ biển; cũng có thể hưởng thụ những dịch vụ với chất lượng quốc tế khi nghỉ ngơi tại các khu du lịch của thành phố… Sau đây, Yêu Du Lịch xin gợi ý cho bạn một số điều để bạn thêm vào hành trang của mình trong chuyến du lịch Đà Nẵng sắp tới.

Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng
Khách sạn:

  Bạn nên tìm một khách sạn dọc theo bờ sông Hàn. Vì khu vực gần bờ sông có khí hậu mát mẻ, rất tuyệt nếu đi dạo vào buổi chiều hoặc tối, cảnh quan đẹp và sạch sẽ. Bạn có thể chọn khách sạn Bạch Đằng (2sao), Bamboo Green (3sao), Sông Hàn, Tourance, Đà Nẵng, SaiGon Tourist, ... đều nằm trên đường Bạch Đằng.

Ăn uống:


  Đà Nẵng gần biển nên rất phong phú các loại hải sản tươi sống, ngon, bổ rẻ. Tôm, hến, nghêu, sò, mực, cá biển các loại, chế thành các món hấp, nướng, chiên giòn, lẩu hải sản thập cẩm, cháo cá, ... nhưng bạn nhớ thỏa thuận giá cả trước khi đặt món ăn để tránh bị tính tiền cao.

  Có một quán khá ngon và giá cả hợp lý là quán Bà Thôi, đường Lê Đình Dương, hoặc bạn có thể kết hợp đi tắm biển và ăn uống tại các nhà hàng cạnh bờ biển. các quán hải sản dọc bãi biển Mỹ Khê view đẹp, giá thành hơi cao hơn 1 chút, cuối đường Lê Đình Dương có khá nhiều quán lẩu, hải sản bình dân, cứ làm ít mực tươi hấp, ngao hoa nướng mỡ hành và món Lẩu cá Cu (1 loại cá đặc sản ở Đà Nẵng).

* Các món dân tộc: Mỳ Quảng - quán Bà Vị 155 Trưng Nữ Vương, bánh xèo + bún thịt nướng ở quán Bà Dưỡng ở Kiệt 11 Hoàng Diệu, bánh tráng cuốn thịt ở Quán Mậu 35 Đỗ Thúc Tỉnh - quán này dân địa phương hay ăn, chỉ bán bánh tráng cuốn thôi, hoặc quán Trần (có nhiều món khác như mỳ, bánh bèo) ở 300 Hải Phòng- quán này khách du lịch hay ăn.

* Cháo: Quán cháo bà Hường 4 Hoàng Diệu, ở đây còn bán chả bò đặc sản Đà Nẵng ( giống giò bò nhưng vị hơi ngọt hơn, thơm mùi tiêu)

* Món Trung Quốc: Nhà hàng Phì Lũ ở Nguyễn Trí Thanh - các món canh đậu hũ, cơm hành, cơm gà...

* Cơm: Quán 3 Cá Bống 112 Nguyễn Tri Phương - cơm niêu cá bống Sông Trà kho tộ, ở đây còn bán mắm tôm chua ngon hơn cả của Huế.


Bạn có thể thưởng thức những giây phút tuyệt vời
trên đỉnh núi, trong rừng sâu hay bên bờ sông, bờ biển;

Mua sắm:

  Rất nhiều người đi Đà Nẵng đều thích mua đồ lưu niệm là các đồ vật bằng đá Non nước. Khuyến nghị là không nên mua ở Non Nước (rất đắt, giá có thể lên gấp đôi nếu không biết cách mặc cả) mà về Đà Nẵng mua ở phố Nguyễn Chí Thanh. To nhỏ tùy loại từ 20 nghìn đến 500 nghìn. Không nên mua hàng quá to, bạn mang đi sẽ rất khó khăn vì đá rất nặng. Tốt nhất nên khi đi Non Nước chỉ mua thêm những thứ thật đẹp mà ở thành phố không có hoặc một ít để làm kỷ niệm. Các thứ khác có thể mua ở Chợ Hàn, khu vực đường Hùng Vương...

Đi chơi:

  Các điểm tham quan chính của thành phố Đà Nẵng bao gồm khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, các làng nghề, làng quê (làng đá Hòa Hải, làng chiếu Yến Nê, Phong Nam, Phú Thượng), các khu du lịch sinh thái Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân...Các di tích lịch sử: Thành Điện Hải, Nghĩa trũng Khuê Trung, khu di tích K20...hệ thống Bảo tàng: Bảo tàng Chàm, Bảo tàng Quân khu V, Bảo tàng Tổng hợp Đà Nẵng.

  Lưu ý, đến Non nước, Thánh địa Mỹ Sơn bạn có thể đi về trong ngày; Cù Lao Chàm, Bà Nà thì bạn nên nghỉ qua đêm. Bà Nà có không khí rất mát mẻ, rất lạnh vào ban đêm nên bạn nhớ chuẩn bị đồ ấm.


cũng có thể hưởng thụ những dịch vụ với chất lượng quốc tế tại các khu du lịch.


Bánh ngon Đà Nẵng, một bữa cho đã miệng

Thứ 2, 12/7/2010 11:53 GMT+7
Lượt xem:1223
Người Đà Nẵng ở xa đều có thể kể vanh vách hàng trăm món ăn khoái khẩu chỉ có ở quê nhà. Món bánh canh, bánh bèo, bánh lọc, bánh tráng chẳng phải là món cao sang, nổi tiếng khắp cả nước để được tôn vinh là đặc sản, nhưng với người Đà Nẵng, những món đó là độc nhất vô nhị, được chế biến theo những kiểu cách riêng. Có đi đâu, ở đâu cũng thèm được quay về, ăn một bữa cho đã miệng.



 
Người Đà Nẵng ở xa đều có thể kể vanh vách
hàng trăm món ăn khoái khẩu chỉ có ở quê nhà.


Bánh canh

  Bánh canh có thể được nấu từ bột gạo, bột mì, nhưng phổ biến hơn cả là bột lọc (làm từ củ sắn). Sắn được gọt bỏ vỏ, cho vào máy nghiền. Bã sắn được lọc qua nhiều lần nước, chỉ giữ lại tinh bột để cho ra thứ bột trắng đục, gặp nước lạnh thì chảy ra, gặp nước nóng thì vón đặc lại.

  Sợi bánh canh thường to gần bằng chiếc đũa, dài và dai. Ăn bánh canh phải “vừa ăn, vừa thổi” vì chỉ khi bắt đầu ăn, sợi bánh mới được thả vào nồi nước đang sôi sùng sục. Nếu không, bánh sẽ nở to, đặc queo.

  Nước lèo có thể được nấu từ tôm, thịt, xương heo, chả… Riêng với bánh canh cá, thịt cá luôn được rim rất kỹ, thấm gia vị và thơm lừng. Bởi vậy, ngoài vị ngọt của nước, vị dai của sợi bánh, người ăn còn thưởng thức những miếng cá được kho đến keo lại, mặn mặn, cay cay.

Bánh tráng ướt, bánh tráng kẹp


Món bánh canh, bánh bèo, bánh lọc, bánh tráng chẳng phải là món cao sang

  Bánh tráng nướng chấm tương thì hầu như nơi nào cũng có. Nhưng món bánh tráng ướt, bánh tráng kẹp là độc chiêu của riêng Đà Nẵng. Bánh tráng sau khi được phơi khô, giòn qua nắng, lại được nhúng vào nước lạnh cho mềm và đặt lên lò lửa than. Người nướng phải thật sự nhanh tay và “chai” với lửa để không bị nóng. Lật qua, trở lại trên lửa hai, ba lần, quệt nhanh ít bò khô vào mặt bánh rồi cuộn lại, rắc thêm chút hành phi, món bánh tráng ướt đã ra lò. Món này phải được ăn ngay khi đang nóng hổi.

  Bánh tráng kẹp lại là sự kết hợp giữa bánh giòn và bánh mềm. Tương tự quy trình làm bánh ướt nhưng thay vì cuộn lại, bánh được kẹp với một cái bánh tráng nướng bình thường. Giữa hai loại bánh này có vài miếng bò khô nhỏ. Để ăn bánh tráng kẹp, “đồ nghề” không thể thiếu là một cây kéo để cắt bánh thành từng lát vừa miệng. Kết hợp nước nắm hay tương ớt với những loại bánh này là “không ăn”. Thứ nước chấm sền sệt, có đủ ngọt, mặn, cay, thơm được người bán cho biết “có đủ thứ gia vị”, bao gồm cả xì-dầu, mắm, muối, ớt, bột ngọt, đường, mè, bột năng.

Bánh Tôm

  Ở Đà Nẵng, nhiều người vẫn không mê lắm với món bánh tôm nhưng khi đã thưởng thức thì chắc chắn lần sau sẽ quay lại và khi đã quay lại thì sẽ có thêm nhiều bạn bè cùng đi.

  Ăn kèm với bánh tôm còn có các loại rau sống gồm một ít xà lách, một ít rau húng, rau ngò, sợi búp chuối trắng thái mỏng. Những thứ rau trên được bảo đảm an toàn về nguồn gốc, được nhặt sạch, rửa kỹ, trộn đều với nhau.

  Ngoài rau, nguyên liệu ăn kèm còn có đu đủ và cà rốt xắt lát mỏng trộn đều ngâm dấm chua ngọt tạo ra màu sắc “bắt mắt”. Bánh ngon không thể thiếu nước chấm. Nước chấm là loại nước mắm được pha chế vừa miệng, đảm bảo đúng vị chua ngọt, có vị cay cay của ớt, vị vàng vàng của tỏi xay. Khi cuốn, cần có bánh tráng gạo tráng mỏng, dùng cuốn ngoài chiếc bánh. Muốn chiếc bánh ăn vừa miệng, khi gói không nên gói dày cũng đừng quá mỏng để khi ăn có thể xuýt xoa cảm nhận hết độ thơm giòn của chiếc bánh và đảm bảo màu sắc đẹp.


Nhưng với người Đà Nẵng, những món đó là độc nhất vô nhị,

Bánh bèo, bánh ướt, bánh lọc

  Người Đà Nẵng thường ăn chơi, hoặc ăn bánh bèo, bánh ướt, bánh lọc thay cơm. Sáng, trưa, chiều, tối, bạn đều có thể tìm được các hàng quán bán mấy món trên.

  Bánh lọc được gói trong lá chuối. Khi ăn, mùi lá chuối dậy thơm cùng mùi bột lọc nóng hổi, khiến một người khỏe ăn có thể chén tới vài chục chiếc bánh. Còn bánh bèo (thường gọi là bánh bèo tai) và bánh ướt được bày chung trong đĩa, mà phải là đĩa thiếc ăn mới ngon, rồi được rắc nhân lên trên. Nhân bánh là tôm, cá được sấy khô trên than hồng cho hết mùi tanh. Khi bỏ vào miệng ăn thấy vị bùi bùi, béo béo. Nước mắm của bánh bèo không mặn, được pha chế cùng nhiều ớt, tỏi, đường, bột ngọt và chanh.

  Thực khách ngồi chồm hổm quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh, thỉnh thoảng kề đĩa cho người bán: “Cho con thêm chút mắm”, “Vắt thêm chút chanh dì ơi”! Mắm dùng cho bánh lọc mặn hơn, không có vị chua, chỉ xắt thêm vào đó mấy lát ớt đỏ, ớt xanh chứ không pha chế kỹ như mắm bánh bèo.


Người Đà Nẵng thường ăn chơi, hoặc ăn bánh bèo, bánh ướt, bánh lọc thay cơm.

  Nhiều người nhờ người thân ở ngoài này gửi bánh lọc, bánh bèo vào tận Sài Gòn ăn, cho thỏa lòng mong nhớ. Bởi giữa Sài Gòn mà tìm được chỗ bán mấy món đó theo đúng hương vị Đà Nẵng còn khó hơn tìm kim dưới biển.

  Không riêng Đà Nẵng mới có những món bánh này nhưng ăn những món bánh này ở Đà Nẵng có vị rất khác. Có thể được du nhập vào Đà Nẵng rồi có những biến thái nhất định để phù hợp khẩu vị của người Quảng nên những món bánh ấy bao giờ cũng đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như đầy đủ sắc thái của cuộc sống.

( Xem thêm thông tin về điểm đến Đà Nẵng: Chi Tiết)

Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ!

Nguồn: http://yeudulich.vn/Chi-Tiet-Tin/12/386/Kinh_nghiem_du_lich_Da_Nang.html

Ý kiến (0)