Thu nhỏ lá cây

….Thu nhỏ lá ở tác phẩm bonsai để có được một tổng thể hài hòa,không phải chỉ mất một hai ngày, kéo dài qua cả năm, thậm chí nhiều năm. Chính vì vậy, sự mất kiên nhẫn thường dẫ đến thất bại. Chơi bonsai ta học được sự cần cù, nhẫn nại, bề chí, kiên tâm…

Thu nhỏ lá cây

Có nhiều loại cây có thể dùng để tạo tác Bonsai rất đẹp chính là nhờ bản thân nó trong thiên nhiên đã có lá nhỏ như kim quýt, cần thăng, mai chiếu thủy, sam núi, cùm rụm, dương liễu … Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại cây có lá tương đối lớn, muốn thu nhỏ chúng lại để có được một tổng thể hài hòa, cần phải có sự hiểu biết về sinh lý thực vật, am tường kỹ thuật trồng trọt và đầu tư nhiều công sức, thời gian.

   Qua nghiên cứu lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và kinh nghiệm rút tỉa từ quá trình thực hành trồng Bonsai, để thu nhỏ lá ta cần thực hiện tốt các vấn đề sau: hạn chế tối đa lượng nước tưới; cho cây hưởng ánh sáng đầy đủ; áp dụng kỹ thuật xén lá hoặc lặt lá và tỉa chồi; khống chế sự phát triển của hệ thống rễ; sử dụng phân bón thích hợp với liều lượng vừa đủ và đúng thời điểm.

   

Vấn đề đầu tiên là nước


– yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng của cây. Nước được hấp thu qua hệ thống rễ, di chuyển qua thân cành và thoát nước qua lá. Sự di chuyển ấy là vô cùng quan trọng vì nó góp phần cho sự vận chuyển thực phẩm trong cây.

    Duy trì cây ở tình trạng hơi thiếu nước sẽ làm cho sự tăng trưởng của cây bị ngăn trở. Vì vậy để thu nhỏ lá, trước hết cần thường xuyên thực hiện chế độ tưới nước vừa đủ, đảm bảo lượng nước mất đi do trong qúa trình thóat hơi nước gần cân bằng với lượng nước do rễ hút được trong cùng một đơn vị thời gian. Để kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu này, ta cần quan sát là và lớp đất mặt: vào buổi trưa nắng nóng, lá bị thoát hơi nước nhiều nên phải héo rũ, nhưng đến chiều tối lá phải khôi phục lại trạng thái cũ dù không cần tưới thêm nước; lớp đất mặt phải có dấu hiệu bị khô vào buổi chiều. Nếu hai dấu hiệu này không xuất hiện trong điều kiện bộ rễ tốt, thì cây đã ở trạng thái căng nước. Ta cần tạm thời ngừng tưới nước và giảm lượng nước tưới ở các lần sau.

    Bên cạnh đó, khỏang thời gian khô hạn giữa hai lần tưới cần được kéo dài, vì nó góp phần làm giảm sức tăng trưởng của cây và lá sẽ nhỏ lại. Yêu cầu này được thực hiện bằng cách ta không tưới nước khi trời còn mát (chiều tối, sáng sớm), đợi đến 9 hay 10 giờ sáng mới tưới. Liên quan đến vấn đề nước, điều quan trọng nhất là cần hạn chế nước tối đa, chỉ phun nước vừa đủ để cây duy trì sự sống từ lúc cây bắt đầu rụng lá khá nhiều, chuẩn bị đâm chồi, ra lá non cho đến khi có bộ lá mới hoàn chỉnh. Kỹ thuật này quyết định mức độ thu nhỏ lá, vì trong khỏang thời gian này cây dồn nỗ lực để sinh trưởng, ta cần ức chế nó lại. Khi lá già nó sẽ không lớn nữa dù ta tưới nước đầy đủ.

  

Vấn đề thứ hai là ánh sáng.


Yếu tố này quyết định toàn bộ sự sống của cây, vì nó đem lại nguồn năng lượng cần thiết cho phản ứng quang tổng hợp giúp cây tạo ra được chất dinh dưỡng. Trong thiên nhiên, khi quan sát những cây cùng loài ta thấy những cây mọc trong mát có lá to hơn để tăng đối đa diện tích hấp thu ánh sáng, trong khi đó những cây mọc ngoài nắng thường có lá nhỏ hơn. Do cây có khả năng thích nghi với môi trường ánh sáng, nên để góp phần thu nhỏ lá ta cần đặt cây nơi có ánh sáng thật đầy đủ.

    Vấn đề thứ ba là xén lá,


hoặc lặt lá và tỉa chồi. Tùy loại cây mà ta áp dụng biện pháp thích hợp: cắt bớt diện tích lá chỉ chừa lại từ ơ đến Ử phiến lá, hoặc cắt bỏ cả lá chỉ chừa lại cuống, hoặc ngừng tưới nước một khỏang thời gian để cho lá tự rụng. Bên cạnh đó, ta tỉa chồi ở các tược non vừa phát triển. Các kỹ thuật này được lập lại nhiều lần sẽ làm cho những lá xuất hiện về sau nhỏ bớt lại, vì nó có tác dụng hạn chế sự quang hợp của lá, ngưng trệ sự phát triển của rễ cám, qua đó tiết giảm việc tạo ra chất dinh dưỡng, đồng thời nó còn làm tiêu hao cả những chất dinh dưỡng mà cây đang dự trữ. Tuy nhiên, do sinh lực của cây bị tổn hại, nên chỉ áp dụng các kỹ thuật này đối với những cây khỏe mạnh, nhằm tránh tình trạng cây bị suy nhược do hậu quả của quá trình xiết lá. Cây Bonsai cổ lão, cân đối nhưng nhất thiết phải tràn đầy sức sống, thể hiện ở bộ lá xanh tươi gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn về sự trường tồn, vĩnh cửu. Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm là khi tỉa chồi thì tỉa đồng loạt cho toàn cây. Nếu tỉa cành này, chừa cành kia thì có nguy cơ cây sẽ bỏ cành bị tỉa, đặc biệt là cành dưới thấp, cành thiếu ánh sáng.

  

Vấn đề thứ tư là khống chế sự phát triển của hệ rễ.


Kinh nghiệm chăm sóc bonsai thành phẩm cho thấy qua vài ba năm thường xuyên tưới nước, bón phân đầy đủ, lá của nó dần dần nhỏ lại, dù ta không muốn điều đó xảy ra vì cây vốn đã có lá cân đối. Khi thay đất, ta thường thấy cả một hệ rễ chằng chịt, dày đặc trong chậu, chẳng còn bao nhiêu chỗ cho rễ mới mọc ra để lấy nước, thức ăn và không khí để thở. Sau khi cắt tỉa để giảm số lượng rễ và bổ sung chất trồng mới một thời gian, cây lại tăng trưởng mạnh thể hiện qua bộ lá sung mãn như thuở ban đầu. Vì vậy, đối với những cây có lá cần thu nhỏ lại, ta nên trồng trong chậu nhỏ lại và không nên thay đất trước thời điểm trưng bày, dự thi cả năm, thậm chí vài năm tùy loại cây có rễ mọc nhanh hay chậm.

   

Vấn đề thứ năm là sử dụng phân bón thích hợp với liều lượng vừa đủ đúng thời điểm.


Ta nên sử dụng phân có tỷ lệ đạm thấp, vì phân bón có nhiều đạm sẽ giúp cho lá tăng trưởng. Lượng phân sử dụng nên giới hạn ở mức thấp, vì ta chỉ áp dụng kỹ thuật thu nhỏ lá đối với những bonsai đã thành thục có nhu cầu phân bón ít hơn nhiều so với cây đang phát triển. Thời điểm bón phân thích hợp là lúc hệ lá ở giai đoạn trưởng thành, vì khi đó lá không lớn lên nữa. Ta không nên bón phân khi lá còn non đầy sức phát triển, hoặc khi lá già sắp rụng để chuẩn bị bước vào chu kỳ phát triển mới.

   Thu nhỏ lá ở tác phẩm bonsai để có được một tổng thể hài hòa, đòi hỏi nhiều công phu, không phải chỉ mất một hai ngày, kéo dài qua cả năm, thậm chí nhiều năm. Chính vì vậy, sự mất kiên nhẫn thường dẫ đến thất bại. Chơi bonsai ta học được sự cần cù, nhẫn nại, bề chí, kiên tâm.

(Trích bài viết của TG: PHẠM ĐĂNG TUẤN) congtycayxanh.com

Ý kiến (0)